Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Nồi cơm Khổng Tử ngày xưa và clip thời nay

(Dân trí) - Thông tin đưa một cán bộ công an tỉnh Thanh Hóa đánh một cụ bà. Dư luận phẫn nộ, lên án cá nhân cán bộ công an này.
 >>  Công an Thanh Hóa khẳng định cán bộ không đánh cụ bà
 (Minh họa: Ngọc Diệp)
 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 Nhưng qua xác minh, cán bộ công an đó là Thượng tá Nguyễn Văn Chung, Phó phòng Cảnh sát bảo vệ và Cơ động, Công an tỉnh Thanh Hóa. Thượng tá Chung can ngăn cụ bà Nguyễn Thị Chút (84 tuổi, trú tại thôn Quyết Thắng, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa) khi bà chửi bới, lăng mạ, túm cổ áo của ông.

Bà Chút thường hay gặp lãnh dạo, cán bộ địa phương để đòi quyền lợi là việc riêng của bà, không bàn đến đúng sai. Ở đây, chỉ  lưu tâm đến việc Thượng tá Nguyễn Văn Chung có đánh bà hay không mà thôi.

Chúng ta cùng phân tích và mỗi người hãy phán xét thật công bằng. Một tấm ảnh hay đoạn clip ghi hình cán bộ công an nắm cánh tay của một bà cụ, vậy thì có thể khẳng định đó là đánh  hay sao. Và nữa, dù nghĩ xấu đến mấy, cũng khó có thể tin rằng một Thượng tá công an lại đi đánh một bà cụ 84 tuổi.

Tương tự, báo chí vừa đưa tin một lãnh đạo của trường đại học vào khách sạn quan hệ bất chính. Thông tin chỉ căn cứ trên một đoạn video trích xuất từ camera của khách sạn. Thông tin này không chỉ ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đưa lên mà cả cho trường đại học mà ông là lãnh đạo. Nạn nhân đã gửi đơn đến Tổng cục An ninh điều tra Bộ Công an và Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM, đề nghị xác minh làm rõ vụ vu khống này.

Mới đây, một số hình ảnh tung lên mạng về anh thanh niên cầm kéo đâm một người phụ nữ ở phố Hàng Bè – Hà Nội và cho rằng anh thanh niên này đâm mẹ ruột. Thế là một trận mưa đá tơi bời, lời lẽ nặng nề khôn kể xiết, thậm chí đòi giết chết kẻ côn đồ nghịch tử này. Nhưng khi bĩnh tĩnh lại, sự thật không phải như vậy. Người phụ nữ đó không phải là mẹ của anh thanh niên kia.

Tích xưa ghi lại, Khổng Tử giao cho môn đồ Nhan Hồi nấu cơm. Khi đang nằm đọc sách, Khổng Tử nghe tiếng vung chạm, nhìn xuống, thấy Nhan Hồi đang bốc cơm bỏ vào miệng. Ông ngửa mặt lên trời than: “Chao ôi! Học trò tin cậy nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói”.

Khổng Tử tận mắt thấy hành vi ăn vụng của Nhan Hồi, nhưng vẫn nhìn sai bản chất sự việc. Bởi vì, sau đó Không Tử khéo léo yêu cầu xới một bát cơm để cúng cha mẹ của ông, Nhan Hồi can ngăn và kể lại rất trong sáng: “Khi con mở vung xem thử cơm đã chín chưa thì một cơn gió ùa vào làm bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống nồi cơm. Con xới cơm bẩn ra định vứt đi, nhưng lại nghĩ: Cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì làm mất một phần. Vì thế con đã mạn phép thầy và anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và anh em. Thưa thầy, như vậy hôm nay con đã ăn cơm rồi, bây giờ con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa thày, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa”.

Khổng Tư lại ngửa mặt lên trời than: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Chao ôi! Suýt chút nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ”.

“Vạn thế sư biểu” Khổng Khâu nhìn tận mắt mà còn sai trầm trọng về bản chất, tưởng là hành vi rất xấu nhưng ai ngờ lại quá thiện tâm.

Vậy thì, chỉ nhìn qua một tấm ảnh hay đoạn trích clip, khó có thể khẳng định đúng sai. Người cầm bút không thể không thận trọng.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét