Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Ứng xử khi cho nhân viên thôi việc

Ung xu khi cho nhan vien thoi viec
Để cho một nhân viên thôi việc, không dễ dàng là chỉ nói "Bạn bị sa thải". Bạn phải có kế hoạch và dự kiến những tình huống có thể xảy ra nhằm giúp bạn và nhân viên bị sa thải giảm thiểu được tình trạng căng thẳng.
Những chỉ dẫn sau có thể giúp bạn tìm ra cách giải quyết hữu hiệu mà bạn mong đợi.
Tuyệt đối giữ bí mật về việc cho thôi việc
Điều quan trọng là bạn không được nói quyết định này của bạn với bất kỳ nhân viên nào. Chỉ người quản lý trực tiếp của nhân viên đó nên được biết trước về quyết định này. Bất kỳ một sự rò rỉ thông tin nhân viên bị sa thải có thể dẫn đến một tình huống xấu nhất. Giữ im lặng sẽ giúp cho người nhân viên này tránh bị mất mặt.
Tôn trọng đời tư cá nhân và lịch sự
Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định cho một ai đó rời khỏi vị trí làm. Không bao giờ nói chuyện đời tư hay bình phẩm không hay về việc tại sao họ bị sa thải. Họ có thể xem bạn là “kẻ thù” của họ nếu như họ thật sự bị xâm phạm đời tư. Cách tốt nhất là mời nhân viên vào phòng và nói cho họ biết nguyên nhân bị sa thải.
Lúc nào là thích hợp nhất để thông báo?
Các nhà quản lý thường cho thôi việc nhân viên của mình vào chiều ngày thứ sáu. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng nên thông báo “cái tin xấu” này sớm hơn trong ngày.
Nhanh chóng và không làm tổn thương
Sau khi đã quyết định thời gian và địa điểm thích hợp, bạn mời nhân viên cùng với người quản lý nhân sự đến thông báo. Giải thích thật ngắn gọn với nhân viên rằng họ bị cho thôi việc. Nếu bạn cắt giảm lương của anh ta thì phải có văn từ chứng minh cụ thể vì sao anh ta bị cắt giảm lương.
Lúc này là thời gian thích hợp để trả lời những câu hỏi nếu nhân viên này có yêu cầu thậm chí là nếu họ cắt ngang lời bạn khi bạn đang nói. Việc bị sa thải hoàn toàn dễ gây xúc động cho bất kỳ một nhân viên nào, vì thế bạn đừng ngạc nhiên nếu họ không nghe những gì bạn nói hoặc không hiểu vì sao lại bị cho thôi việc.
Có thể viết thư thông báo cho họ biết về việc họ sẽ bị thôi việc. Một số ông chủ tỏ ý muốn nhân viên thu dọn sạch sẽ chỗ làm và văn phòng của họ hoặc là bạn có thể gửi e-mail cho người thân của họ và phải đảm bảo những người này nhận được e-mail của bạn.
Để những nhân viên này không mất đi sự tự chủ, hãy nói năng với họ thật nhã nhặn và lịch sự để tạo cơ hội nói chia tay trong bầu không khí thân thiện nhất có thể… Đối với một số người không thể kiềm chế bản thân thì họ có thể trở nên thô lỗ, hãy yêu cầu họ đi ra ngay lập tức.
Đừng để xảy ra xung đột. Điều quan trọng là bạn phải làm chủ tình huống trong mọi trường hợp đối với chính bạn và nhân viên bị nghỉ việc.
Theo HRVietnam

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

KÊU GỌI HỖ TRỢ MỪNG LỄ GIÁNG SINH CHO CÁC EM THIẾU NHI TẠI VINH TRANG

GIÁO XỨ VINH TRANG
BAN GIÁO LÝ

KẾ HOẠCH MỪNG LỄ GIÁNG SINH 2011

I/ CHIẾN DỊCH “ CỌNG RƠM DÂNG CHÚA HÀI ĐỒNG”
·        Mục đích : Tập cho các em thiếu nhi trong giáo xứ có thói quen tham dự thánh lễ hằng ngày
·        Hình thức : Mỗi em thiếu nhi khi đi tham dự thánh lễ được phát 1 phiếu “ THAM DỰ THÁNH LỄ” màu xanh .
10 phiếu màu xanh đổi 1 vé số
( Xổ số vui MỪNG CHÚA GIÁNG SINH tổ chức vào chiều 25/12/2011 tại Nhà Xứ Vinh Trang )
  - Thời gian chiến dịch : Bắt đầu từ ngày 01/11 đến ngày 24/12/2011

II/ HOẠT CẢNH GIÁNG SINH
-         Tối 24/12 hoạt cảnh Mừng Chúa Giáng Sinh do các em thiếu nhi đảm trách gồm 3 phần chính :
             - Thiên Chúa tạo dựng & con người phạm tội
             - Môisen và 10 điều răn
             - Truyền tin & Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem
                 
III/ VĂN NGHỆ & XỔ SỐ
-         Ngày 25/12/2011 : - 17g00 : sinh hoạt chung
      - 18g00 : Văn nghệ và Xổ số
      -  19g30 : Phát quà Giáng sinh cho tất cả các em thiếu nhi ( kể cả những em không công giáo )
IV/ KINH PHÍ
1-     Xổ số : Dự kiến phát 500 vé số
-         Cơ cấu giải :     -   01 giải đặc biệt trị giá 500.000 đồng
 -   02 giải nhất trị giá 200.000 đồng /giải
 -   06 giải nhì trị giá 100.000 đồng / giải
 -   20 giải ba trị giá 50.000 đồng /giải
 - 350 giải tư trị giá 10.000 đồng / giải
Tổng cộng : 6.000.000 đồng
2-     Bồi dưởng hoạt cảnh :
Số lượng diển viên 100 x 10.000 đồng = 1.000.000 đồng
3-     Quà Noel cho các em thiếu nhi ( kể cả không công giáo )
Dự kiến 1.500 phần x 5.000 đồng = 7.500.000 đồng
TỔNG CỘNG : 14.500.000 đồng ( Mười bốn triệu năm trăm ngàn đồng )

                      Vinh Trang, ngày 25 tháng 11 năm 2011
                                            TM/BGLý
                                          Trưởng Ban
                                   Giuse Phan Lương


--------------------------------------------------------------------

GIÁO XỨ VINH TRANG
BAN GIÁO LÝ
Vinh Trang, ngày 06 tháng 12 năm 2011

THƯ NGỎ
-         Kính gởi : Qúy Ân Nhân của Ban Giáo Lý Giáo xứ Vinh Trang
              
Thưa Qúy vị
Nhiều năm qua, Ban Giáo Lý của Giáo xứ Vinh Trang hoạt động và phát triển về mặt vật chất một phần lớn nhờ vào sự quảng đại của qúy vị . Các em sung sướng với những cuốn vở, cây viết “ chiến dịch hè”. với những gói bánh kẹo những dịp lễ Trung Thu, Noel .
Đặc biệt, Trung Thu vừa qua, nhờ lòng quảng đại của qúy vị, gói quà Trung Thu các em to hơn, nhiều hơn .
Mùa Giáng Sinh năm nay, Ban Giáo Lý Giáo xứ lên kế hoạch Mừng Giáng Sinh với nhiều chương trình mới mẻ, phong phú để các em có được niềm vui Giáng Sinh thật trọn vẹn .
Để có thể thực hiện tốt kế hoạch , được sự đồng ý của Cha Chánh Xứ Phaolô Trương Đức Thắng và cha Phó xứ Giuse Nguyễn Đức Nhu , Ban Giáo Lý gởi Thư Ngỏ “ gỏ cửa lòng hảo tâm” của qúy vị, những “ Mạnh Thường Quân” của giáo xứ .
Ước mong được rộng tay giúp đỡ .
Ban Giáo Lý giáo xứ Vinh Trang chân thành tri ân và xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho qúy vị .
Trân trọng kính chào
                                                       Trưởng Ban Giáo lý
                                                     
                                                          Giuse Phan Lương



Ghi chú : Mọi giúp đở xin gởi về địa chỉ
Phan Lương  : Tài khoản số 0061000226563 VCB Khánh Hoà, Phòng giao dịch Cam Ranh
                      Xin chân thành cám ơn

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Chỉ vì mâu thuẫn bộc phát trong sinh hoạt hàng ngày, người anh rể đã nhẫn tâm dùng dao gập đâm, đánh người em vợ đến tử vong. Vụ án gây xôn xao dư luận một vùng quê vốn bình yên…

Căn cứ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Khánh Hòa vừa có bản kết luận điều tra về vụ án mạng xảy ra tại thôn Vĩnh Nam, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).
Theo hồ sơ vụ án,  khoảng 21 giờ 30 ngày 6-8, Huỳnh Văn Toàn (sinh năm 1969, trú thôn Vĩnh Nam, xã Cam An Nam) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Tố Quyên (sinh năm 1971) và 2 người em ruột Huỳnh Thị Châu (sinh năm 1971), Huỳnh Thị Kim Trinh (sinh năm 1982) trú cùng thôn đang ngồi xem ti vi và nói chuyện ở nhà Toàn thì có anh Nguyễn Hoàng Sơn (sinh năm 1976, là em ruột chị Nguyễn Thị Tố Quyên) ở nhà bên cạnh đi sang.
Vừa đi đến sân nhà Toàn, anh Sơn lớn tiếng: “Ông Toàn ra tôi hỏi cái này?”. “Mày muốn hỏi cái gì thì vô đây” - Toàn đáp lại. Sau đó, Sơn đi vào nhà và ngồi xuống ngay gần Toàn. Anh Sơn yêu cầu Toàn phải nhổ cây tường vi (một loại cây cảnh) mà Toàn đã trồng sau nhà chị Nguyễn Thị Minh Thư trước đó (chị Thư là chị ruột của anh Sơn). Toàn nói lại: “Tao chỉ trồng cây một thời gian rồi sẽ bứng vô chậu”, Nhưng anh Sơn không đồng ý mà yêu cầu Toàn phải nhổ cây Tường vi ngay.
 
Không kiềm chế được cơn giận, Huỳnh Văn Toàn đã dùng dao đâm chết người em rể

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

LỜI CHIÊU TUYẾT CHO CỤ PHAN BỘI CHÂU - Phần 1






Phan Bội Châu (1867 - 1940)

LỜI CHIÊU TUYẾT CHO CỤ PHAN BỘI CHÂU

(Trước những lời xuyên tạc và thoá mạ Cụ của một vị đại biểu quốc hội)

Đào Tiến Thi



Đang lúc dư luận nóng lên vì những phát biểu hùng hổ của ông Hoàng Hữu Phước (HHP), đại biểu TP. Hồ Chí Minh, trước diễn đàn Quốc hội thì lại được độc giả cung cấp những trích đoạn trong các bài viết khác của ông về các vấn đề của đất nước. Cũng giống như GS. Ngô Đức Thọ, tôi phải kêu lên “kinh khủng quá” khi đọc những dòng dưới đây:

“Việt Nam hoàn toàn khác: tất cả các phe nhóm và đảng phái chính trị đều hoặc làm tay sai cho Pháp hay Nhật hay Hoa hay Mỹ, hoặc tự bươn chải chỉ biết dùng nước mắt bạc nhược cố tìm “đường cứu nước” (như Phan Bội Châu khóc lóc với Lương Khải Siêu [2] (Dấu chú thích này là của ông HHP; ông chú là lấy ở Lời tựa của Lương Khải Siêu in trong Việt Nam Vong Quốc Sử - ĐTT) khi nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu với Nhật xin giúp kéo quân sang Việt Nam đánh Pháp, mà không biết mình rất có thể đã “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ”, mở đường cho sự quan tâm của Quân Phiệt Nhật tàn bạo đánh chiếm và giết chết nhiều triệu người Việt Nam sau này, và phải nhờ Lương Khải Siêu ban phát cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm của lời yêu cầu Nhật đem quân đến Việt Nam giúp đánh Pháp), và tất cả đều chống Cộng. Chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam đánh thắng tất cả, tạo dựng nên đất nước Việt Nam thống nhất, nên việc “đòi quyền lợi” hay “đòi quyền tham chính” của tất cả các cá nhân, tất cả các phe nhóm chính trị bên ngoài Đảng Cộng Sản Việt Nam là điều không tưởng, vô duyên, khôi hài và bất công, nếu không muốn nói là hành vi bất lương của kẻ cướp muốn thụ hưởng quyền lực chính trị trong khi đã không có bất kỳ công sức đóng góp nào cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngoài sự chống phá ngay từ bản chất”.

Như vậy, ông HHP đã coi cụ Phan là người:

1- Chỉ biết dùng nước mắt bạc nhược cố tìm “đường cứu nước” – nguyên văn trong ngoặc kép của ông HHP (như “khóc lóc với Lương Khải Siêu” khi nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu với Nhật…

2-Vô tình đã “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ”, mở đường cho Nhật đánh chiếm Việt Nam sau này, và may nhờ Lương Khải Siêu ban phát cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm ấy.

3- Phan Bội Châu cũng nằm trong số các tổ chức ngoài Đảng CSVN, “tất cả đều chống cộng”.

Theo địa chỉ, tôi tìm đọc nguyên gốc của bài trên chính website của chủ nhân Hoàng Hữu Phước (http://www.emotino.com/bai-viet/18997/da-dang), và thấy đúng là như vậy. Bài đăng ngày 13-2-2011, tức là trước ngày bầu cử QH khoảng hai tháng, có liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của ông HHP, vì ông là một đại biểu tự ứng cử.

Đọc xong tôi càng bàng hoàng, lại phải thốt lên mấy lần nữa: Trời ơi, chỉ để thuyết phục mọi người “Việt Nam không cần đa đảng” mà ông HHP phải lôi cả cụ Phan Bội Châu ra để “trảm” ư? Cái ghế của ông HHP ở QH đắt đến thế ư? Sau Phan Bội Châu, đến lượt ai bị “trảm” tiếp đây, nếu như ông HHP không chỉ tham vọng là đại biểu QH mà còn muốn leo cao hơn nữa?

Dù biết đây chả chắc đã là nhận thức của ông HHP mà có khi chỉ là một cách “đón gió” của ông thôi, nhưng vì thấy lâu nay ngay trên sách báo phổ thông cũng có một số nhận định chưa chính xác về cụ Phan Bội Châu, và nhận thấy giới trẻ hiện nay có một bộ phận coi khinh lịch sử dân tộc nên cũng dễ tin theo những nhận định băm bổ kiểu như trên, tôi thấy cần viết bài này với mong mỏi cung cấp một ít tư liệu về Phan Bội Châu, để hiểu thêm về con người cụ Phan, nhất là trong mối quan hệ với Lương Khải Siêu, với chính phủ Nhật Bản và với Đảng CSVN, để độc giả xem có đúng như ông HHP nói không.

I- VỀ VIỆC PHAN BỘI CHÂU DÙNG “NƯỚC MẮT BẠC NHƯỢC” ĐỂ CỨU NƯỚC, CHẲNG HẠN NHƯ “KHÓC LÓC VỚI LƯƠNG KHẢI SIÊU”

1. Cụm từ “đường cứu nước” mà ông HHP dùng để chỉ chỉ hoạt động của cụ Phan được ông để trong ngoặc kép, nghĩa là với hàm nghĩa giễu cợt, chứ không còn là đường cứu nước theo nghĩa đen nữa, đó là một cách sổ toẹt vai trò cứu nước của cụ Phan Bội Châu. Thật chưa ai dám vô lễ như ông HHP trước một bậc tiền nhân đã xả thân vì đất nước như cụ Phan. Ông HHP nên học lại lớp 7 để biết rằng chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhiệt liệt ca ngợi cụ Phan, từng gọi cụ Phan là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng” (Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Ngữ văn 7, tập 2).

2. Chúng tôi xin kể vài sự kiện, chi tiết về Phan Bội Châu trước khi gặp Lương Khải Siêu để thấy bản chất con người Phan Bội Châu có phải là con người “bạc nhược” như ông HHP nói không.

Giai thoại kể, năm lên tám, khi thầy giáo ra vế đối:

Nhật nguyệt hai vầng treo trước mặt

Cậu bé San đã đối lại:

Giang sơn một gánh nặng trên vai

(Hoài Thanh: Phan Bội Châu, NXB Văn hóa, 1978)

Năm 1883, khi Pháp đánh ra Bắc Kỳ, mới 17 tuổi, cậu học trò San đã viết hịch Bình Tây thu Bắc, kêu gọi đánh Tây, thu hồi đất Bắc. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Phan tự mình thành lập đội sỹ tử cần cương 60 người. Chỉ vì chưa có danh lẫn thực lực nên đội nghĩa sỹ nhanh chóng tan vỡ.

Thời gian trước 1900 là thời gian còn phải “ẩn nhẫn chờ thời”, còn học hành, thi cử để có kiến thức và chút danh phận, và nhất là còn phụng dưỡng cha già đau yếu, thì cái chí cứu nước ở Phan vẫn không dễ che giấu, như bài thơ Chơi xuân tràn đầy khí chất ngang tàng sau đây:

Nước non Hồng Lạc còn đây mãi

Mặt mũi anh hùng há chịu ri

Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi

Sinh thời thế phải xoay nên thời thế

Phùng xuân hội may ra ừ cũng dễ

Nắm địa đầu vừa một tí con con

Đạp toang hai cánh càn khôn

Đem xuân vẽ lại cho non nước nhà

Hai vai gánh vác sơn hà

Đã chơi chơi nốt ối chà chà xuân.

Năm thi đỗ giải nguyên, cũng là năm cha mất (1900), từ đấy Phan ra Bắc vào Nam tìm bạn đồng tâm, để rồi năm 1904 lập Hội Duy tân và đầu năm 1905, lên đường sang Nhật. Từ đây, con đại bàng thực sự cất cánh. Bài thơ Xuất dương lưu biệt mà theo Hoài Thanh (TL đã dẫn) là bài thơ khẩu chiếm trong tiệc rượu đưa tiễn đó:

Sinh vi nam tử yếu hy kỳ

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di

Ư bách niên trung tu hữu ngã

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy

Giang sơn tử hỹ sinh đồ nhuế

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si

Nguyện trục trường phong Đông Hải khứ

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

(Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời

Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở há không ai

Non sông đã chét sóng thêm nhục

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài

Muốn vượt Biển Đông theo cánh gió

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)

3. Những chính khách Nhật Bản lần đầu tiên gặp mấy chí sỹ Việt Nam do Phan Bội Châu dẫn đầu đã hết sức cảm phục. Nghị sỹ Bạch Nguyên Văn Thái Lang nói:

“Bây giờ gặp các ông tưởng như đọc truyện hào kiệt thời trung cổ; bởi vì người Việt Nam đến đất nước Phù Tang cùng sỹ phu nước tôi trao đổi ý kiến, chính các ông là người đầu tiên”.

Như vậy, chưa cần nói đến hai mươi năm (1905 – 1925) lừng danh hăng hái dấn thân cứu nước, chưa cần kể những vần thơ khi hùng tráng, khi lâm ly mà đến nay vẫn đánh thức mỗi tim Việt Nam yêu nước, chưa kể khí phách khi ra tòa nhận án tử hình, chưa kể ngay thời kỳ cuối đời dù bị giam lỏng mà vẫn giữ trọn tấm lòng son, mà vẫn làm nhiều việc có ích, thì chỉ riêng vài chi tiết “vặt” nói trên, những chi tiết trước khi HHP gọi là “dùng nước mắt bạc nhược”, đã đủ cho ta thấy Phan Bội Châu bậc sỹ phu, bậc hào kiệt đáng để chúng ta muôn đời ngưỡng mộ, thế mà ông HHP lại gán cho cái gọi là “dùng nước mắt bạc nhược” tìm cứu nước thì thật là một sự xuyên tạc quá quắt.

4. Với cách dùng ngôn từ “Phan Bội Châu khóc lóc với Lương Khải Siêu”, ông HHP còn cố tình tạo ra hình ảnh thảm hại của cụ Phan, với mục đích gì thì có lẽ mọi người tự hiểu.

Thực chất việc này như thế nào?

4.1.Chúng ta đều biết Lương Khải Siêu (1873 – 1929) là nhà cách mạng lớn của Trung Quốc cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, là người có ảnh hưởng lớn đối với Phan Bội Châu, là người đã giúp đỡ Phan Bội Châu, khi lần đầu tiên Phan đặt chân đến đất nước Nhật Bản xa xôi, cũng như sau này, khi Phan nhiều lần qua lại, tá túc trên đất nước Trung Hoa. Một người như thế, kể cụ Phan, vì mục đích cứu nước, có phải khóc lóc cũng không có gì xấu, nhưng sự thực cũng không phải cụ Phan khóc để cầu xin Lương điều gì. Hãy đọc những dòng sau đây của chính Lương Khải Siêu khi viết tựa cho Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu:

“Gần đây ta gặp một người Việt Nam vong mệnh, thường khi nói chuyện với ta, ông hay giàn giụa nước mắt. Ta biết nếu không tự biết thương mình mà lại thương người khác, thì có khi người lại thương cho số phận của mình đấy.

Ta đọc sách này chẳng những đã thương mà còn sợ nữa”.

(Phan Bội Châu toàn tập, tập 2, NXB Thuận Hóa, 2001)

Như vậy, cụ Phan hay giàn giụa nước mắt khi nói chuyện với Lương Khải Siêu là vì đau xót trước thảm cảnh mất nước của nước của Việt nam, chứ có phải khóc xin Lương cái gì đâu. Mặt khác, đọc sách của Phan, Lương cũng tỉnh ngộ thêm cái thân phận của Trung Hoa, cho nên mới chẳng những đã thương mà còn sợ nữa. Phan khóc cũng còn là chia sẻ nỗi niềm vong quốc cùng người chí sỹ yêu nước của Trung Hoa, người cũng đang tìm đường cứu Trung Hoa lúc đó. Điều này càng rõ khi đọc Lời mở đầu của Phan trong Việt Nam vong quốc sử:

“Không có gì đau bằng người mất nước, cũng không có gì đau bằng người bị mất nước mà bàn việc nước! Tôi muốn viết đoạn sử mất nước này, nhưng đã bao phen lệ cạn huyết khô, mà cơ hồ không viết nổi nữa.

Nay nhân Công chủ Ẩm Băng Thất (tức Lương Khải Siêu – ĐTT) nói: Than ôi, tôi (Lương Khải Siêu – ĐTT) với ông (Phan Bội Châu – ĐTT) thật là đồng bệnh. Những việc làm tàn ác của người Pháp thi hành ở Việt Nam, cả thế giới chưa ai biết đến. Ông hãy nói cho tôi rõ, tôi sẽ vì ông mà truyền bá (…). Hơn nữa, tôi cũng muốn nói riêng với ông một điều: Nước chúng tôi hiện giờ, tình thế không khác gì nằm trên đống củi mà dưới thì lửa đỏ đang bốc cháy, thế mà mọi người vẫn dửng dưng chơi bời, cho là vô sự, nếu có ai nói đến nguy cơ mất nước, cũng làm lơ rồi bỏ qua. Vậy xin ông hãy vì tôi mà kể chuyện nước ông bị mất, may ra có thể làm cho phần đông người nước tôi nghe ra mà giật mình thức tỉnh giấc mê để rồi có ngày thấy lại ánh sáng mặt trời, thì chẳng những người nước tôi được nhờ mà người nước ông cũng được nhờ đó.

Tôi (Phan Bội Châu – ĐTT) nghe nói lấy làm cảm động, gạt nước mắt và viết cuốn Việt Nam vong quốc sử này”.

4.2. Tạm dừng lại để nói về tác dụng cuốn Việt Nam vong quốc sử ở Trung Quốc. Theo GS. Chương Thâu, sách được Lương Khải Siêu cho in vào tháng 6-1905, nhưng sau đó Lương vẫn cho đăng tải trên Tân Dân tùng báo (9-1905), ở mục “Tùng đàm” do chính Lương phụ trách. Đứng ở góc độ kinh tế của người làm xuất bản, chỉ có chuyện in báo xong mới in sách chứ không ai làm ngược như vậy, nhưng chắc là nhận thấy giá trị tuyên truyền cao của cuốn sách nên nhà cách mạng Lương Khải Siêu đã ưu tiên như thế. Khi đăng tải, sách mang tên Ký Việt Nam vong nhân chi ngôn (Chép lời người Việt Nam mất nước) là cũng có dụng ý của nó. Cũng theo Chương Thâu, tính đến năm 1955, sách được in đến 5, 6 lần ở Trung Quốc. “Việt Nam vong quốc sử được xuất bản nhiều lần, chứng tỏ nó có giá trị nhất định. Nó không những là một tài liệu tuyên truyền cách mạng ở Việt Nam, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng ở Trung Quốc nữa” (Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, tập 2, sđd). Và một gian dài người ta tưởng tác giả của nó là Lương Khải Siêu.

Phan Bội Châu phải cảm ơn Lương Khải Siêu, một “bà đỡ” cho đứa con tinh thần của mình, nhưng giá trị khai dân trí của cuốn sách cho người Trung Quốc thì Lương lại phải cảm ơn Phan.

Phong trào duy tân ở Trung Quốc sớm hơn Việt Nam một chút. Lương Khải Siêu đi trước Phan Bội Châu một chút. Chính Phan Bội Châu trước khi xuất dương đã đọc sách của Lương, rất ngưỡng mộ Lương, nên nếu coi Lương là bậc đàn anh, bậc thầy (về cách mạng dân tộc dân chủ) thì cũng được. Nhưng mặt khác, quan hệ giữa hai người là quan hệ giữa những người đồng chí hướng, cùng hoài bão cứu nước. Ngay khi đến Nhật, Phan đã viết một thư gửi Lương (lúc này, cách mạng dân chủ ở Trung Hoa đang thời thoái trào, Lương đang nương mình ở Nhật Bản), trong đó có câu: “Lạc địa nhất than khốc, tức dữ tương tri; độc thư thập niên nhãn, toại thành thông gia” (Lọt lòng một tiếng khóc, tức đã thành tương tri, đọc sách trong mười năm, thành ra tình nghĩa thông gia). Sau này, cụ kể lại trong Phan Bội Châu Niên biểu: “Lương được thư, cảm động lắm, tự động ra mời tôi vào”. Thế mà ông HHP lại biến Lương Khải Siêu thành một nhân vật kẻ cả giống hệt những nhân vật thuộc phái diều hâu ở Bắc Kinh hiện nay, chỉ nhìn người Việt Nam bằng nửa con mắt: “phải nhờ Lương Khải Siêu ban phát (ĐTT nhấn mạnh) cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm…”. Phải chăng kẻ quen cúi lạy, quen nhận ban phát nên suy bụng ta ra bụng người?

4.4. Nhân đây nói thêm, cái điều mà Phan Bội Châu rất cảm ơn Lương Khải Siêu, ngoài việc Lương giới thiệu Phan với các chính khách Nhật, là việc Lương phân tích về phương pháp cách mạng, chứ không phải chuyện khuyên đừng “cõng rắn cắn gà nhà” như ông HHP đặt điều.

Trong một buổi gặp, sau 3 tiếng đồng hồ bút đàm với Lương Khải Siêu, Phan Bội Châu đã ghi lại mấy điều cốt yếu trong lời khuyên của Lương như sau:

j Quý quốc không phải lo không có ngày độc lập, mà chỉ lo quốc dân không dủ độc lập

k Kế hoạch lo cho đến quang phục, yếu kiện chỉ có 3 điều:

a- Có thực lực ở trong quý quốc

b- Nhờ sức viện trợ của Lưỡng Quảng

c- Nhờ Nhật Bản vện trợ bằng thanh thế.

Nhưng nếu ở trong quý quốc không có thực lực, thời hai điều dưới đó, thảy không phải là hạnh phúc của quý quốc.

Ông Lương viết tiếp đến đó, lại có phụ chú rằng: “Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài. Lưỡng Quảng chỉ giúp cho quân thướng (lương thực cho quân đội – ĐTT) với khí giới. Nhật Bản chỉ giúp cho trên đường ngoại giao. Hễ khi nước mình độc lập rồi, tất phải yêu cầu liệt cường thừa nhận, mà nhờ Nhật Bản là cường quốc ở châu Á, có thể thừa nhận trước hết được”. (Phan Bội Châu niên biểu, Sđd)

Như vậy Lương Khải Siêu không phủ nhận chủ trương cầu thân Nhật Bản của cụ Phan. Tuy nhiên Lương cũng cảnh báo cụ Phan, không quá phụ thuộc vào Nhật Bản. Phan Bội Châu viết tiếp như sau:

“Lúc ấy tôi nói đến cầu viện nước Nhật Bản, ông Lương nói rằng:

Mưu ấy sợ không tốt, quân Nhật Bản đã một lần vào nước, quyết không lý gì đuổi nó ra được. Thế là muốn tồn tại được nước mình, mà thiệt là làm cho chóng mất mà thôi! Quý quốc chớ lo không có cơ hội độc lập, mà chỉ lo không có nhân tài hay chụp được cơ hội. Hễ đến ngày Đức – Pháp chiến tranh với nhau tức là một cơ hội tốt cho quý quốc độc lập đó vậy”.

Cái điều Lương Khải Siêu đi trước Phan Bội Châu nói trên cũng dễ hiểu: Trung Quốc lúc ấy tuy chưa mất hẳn độc lập nhưng đã bị các nước đế quốc, trong đó có Nhật Bản, bao vây xâu xé[1].

Tuy nhiên, cần biết thêm điều này: cái điều khuyên trên của Lương Khải Siêu đối với Phan Bội Châu thực tế không có tác dụng bởi hai lẽ:

1 - Chính phủ Nhật Bản lúc ấy không có điều kiện can thiệp vào Việt nam.

2 - Chỉ khoảng hơn 10 năm sau, khi Nhật thực sự thành nước đế quốc, thì chính Phan Bội Châu nhận ra nguy cơ từ Nhật Bản và đã chủ trương hợp tác với người Pháp để chống đế quốc Nhật.

Hai điều trên chúng tôi sẽ trình bày trong phần hai của bài này.

Để kết lại phần thứ nhất, tôi khẳng định cụ Phan Bội Châu là một bậc anh hùng hào kiệt, khí phách ngang tàng. Cụ khóc là vì thương tình cảnh đất nước Việt Nam, chứ không phải nước mắt bạc nhược. Việc Lương Khải Siêu giúp Phan Bội Châu phần vì quý trọng một nhà yêu nước, phần vì sự hợp tác trong công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của cả hai nước. Lương Khải Siêu là bạn của Phan Bội Châu. Cái tư thế “ban phát” của Lương cho Phan chỉ do cái đầu óc thần phục “thiên triều” của ông HHP tưởng tượng ra. Nó không những xúc phạm cụ Phan mà còn xúc phạm một danh nhân Trung Quốc.



Còn nữa

Đ.T. T





[1] Năm 1894 chiến tranh Trung – Nhật bùng nổ, Trung Quốc thua và phải ký điều ước Mã Quan (Simonoseki), phải bỏ “phiên thuộc” TriềuTiên, cắt Đài Loan, Bành Hồ, bán đảo Liêu Đông và bồi thường chiến phí cho Nhật. Năm 1900 liên quân 8 nước trong đó có Nhật Bản đánh chiếm Thiên Tân, tấn công Bắc Kinh. Nhà Thanh ký hiệp ước Tân Sửu, phải nhượng bộ nhiều quyền lợi cho các nước đế quốc.v.v..





*Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho NXD- Blog.

Xin chân thành cảm ơn tác giả Đào Tiến Thi.

Được đăng bởi Nguyễn Xuân Diện vào lúc 05:34

Gửi email bài đăng này

BlogThis!

Chia sẻ lên Twitter

Chia sẻ lên Facebook



Nhãn: Hoàng Hữu Phước, Lịch sử, Phan Bội Châu, Quốc hội, Đào Tiến Thi

4 nhận xét:

Khách ẩn danh nói...

Bái phục Bác Diện. Bài này xứng đáng là 1 nghiên cứu tầm cỡ.

06:11 Ngày 26 tháng 11 năm 2011

Nguyễn Xuân Diện nói...

Ấy chết, bác bái nhầm người rồi. Bài này của bác Đào Tiến Thi bác ạ!



Tễu

06:16 Ngày 26 tháng 11 năm 2011

Khách ẩn danh nói...

Các bạn đọc bài viết của Lê Trung Thành trong Bauxite VN :”Sau khi tốt nghịêp khoa tiếng Anh Trường đại học Tổng hợp TPHCM năm 1981 với mức điểm trung bình kém (vì thi trượt môn văn học Anh) ông vẫn trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh từ năm 1982. Tuy nhiên, ông vẫn tự đánh giá mình là “chuyên gia” về các bộ môn như từ vựng học, văn chương Anh, văn minh Anh, luận văn Anh,…”

Ha ha!…Hoàng Hữu Phước thi trượt môn văn học Anh mà vẫn mặt dày mày dạn gào rống ” mình là chuyên gia về các bộ môn như văn chương Anh, luận văn Anh,…”(?)

Hoàng Hữu Phước đúng là gã tâm thần lưu manh,,vì trình độ như thế mà ”hiến kế sách liên hoành cho Saddam Hussein “đánh” Mỹ?”

Hoàng Hữu Phước đúng là gã vô liêm sỉ , vô nhân cách, dám xuyên tạc và thoá mạ Cụ Phan Bội Châu, danh nhân CM hàng số một Việt Nam !

Oh la la!

Phước ơi! Thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng …quan!

06:38 Ngày 26 tháng 11 năm 2011

HỒ THƠM nói...

Cảm ơn bác Nguyễn Xuân Diện,cảm ơn bác Đào Tiến Thi đã trở lại đề tài lòng yêu nước của cụ Phan Bội Châu và sự xúc phạm của đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước với Cụ Phan và các đảng phái yêu nước chống Pháp .Những suy nghĩ đúng đắn dựa trên các nghiên cứu về cụ Phan thật đáng trân trọng nhưng nói với Hoàng Hữu Phước ,một kẻ không biết gì về lòng yêu nước e rằng y không hiểu và không có tác dụng gì mấy . Nếu HHP là người thuần kinh doanh thì chỉ buồn một tí còn đây lại là "đại biểu quốc hội" nên thật nguy hiểm cho đất nước .

06:55 Ngày 26 tháng 11 năm 2011

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

"Ông" đau lòng vì lương, dân đau lòng vì ai?

Trong buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh và giá thành sản xuất điện do Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cuối tuần trước tại Hà Nội-một động tác được cho là để mở đường cho việc tăng giá điện được suôn sẻ sắp tới, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN đã đưa ra một thông tin khiến nhiều người thấy ngạc nhiên: Lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn tập đoàn để hạch toán vào giá điện là 7,3 triệu đồng/tháng/người.
Ông Tổng giám đốc EVN nói: "Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn có thể được, còn nếu ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó". Bởi ông này cho rằng, chỉ với 7,3 triệu đồng/tháng, nếu sống ở Hà Nội thì chắc chắn cán bộ, nhân viên ngành điện sẽ không đủ sống.
Câu nói trên là là phát biểu chân thực của ông Phạm Lê Thanh và dường như ông muốn nói điều này đến đông đảo cán bộ, nhân viên trong ngành điện là ông rất thương nhân viên (!). Các kết quả thanh tra, kiểm toán cũng xác tín điều này.
Có những cán bộ lãnh đạo của EVN có mức lương, thu nhập đến 1 tỷ đồng, trên 1 tỷ đồng một năm mà cơ quan này phải lên tiếng nhắc nhở EVN về chuyện chi trả tiền lương.

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Công văn số 5562/CT-KK về việc gia hạn nộp thuế TNDN

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP.HỒ CHÍ MINH
 

Số: 5562/CT-KK
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 

TP.Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng7  năm 2011


V/v Hướng dẫn thực hiện gia hạn
nộp thuế TNDN năm 2011

Kính gửi:     - Các phòng thuộc Cục thuế
- Trung tâm tích hợp và lưu trữ dữ liệu NNT
- Các Chi cục thuế Quận huyện

Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011 (Quyết định 21/2011/QĐ-TTg);
Căn cứ Thông tư số 52/2011/TT-BTC ngày 22 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 21/2011/QĐ-TTg,
Cục thuế hướng dẫn một nội dung liên quan đến việc thực hiện gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư số 52/2011/TT-BTC như sau:
                  I.      Xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn:
1.    Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 được gia hạn nộp thuế là số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý và số chênh lệch cao hơn khi quyết toán thuế năm 2011 không bao gồm số thuế tính trên phần thu nhập từ các hoạt động kinh doanh không được gia hạn nộp thuế nêu tại điểm 3.
2.    Số thuế thu nhập doanh nghiệp đã được gia hạn năm 2010 theo quy định tại Quyết định số 12/2010/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ  về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2010 (Quyết định 12/2010/QĐ-TTg) đến hạn nộp vào năm 2011 bao gồm số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý IV năm 2010 và số chênh lệch cao hơn khi quyết toán thuế năm 2010 nhưng không bao gồm số thuế tính trên phần thu nhập từ các hoạt động kinh doanh không được gia hạn nộp thuế nêu tại điểm 3.
              Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai và nộp số tạm tính quý IV năm 2010 và số chênh lệch cao hơn khi quyết toán năm 2010 vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Quyết định 12/2010/QĐ-TTg thì không điều chỉnh lại.
3.    Số thuế thu nhập doanh nghiệp không được gia hạn nộp thuế trong năm 2011 là số thuế tính trên phần thu nhập từ các hoạt động kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số kiến thiết, thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thu nhập từ kinh doanh các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu theo quy định tại Quyết định số 1380/QĐ-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công thương.
4.    Doanh nghiệp phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế theo quy định đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được gia hạn nộp thuế. Trường hợp không hạch toán riêng thì xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn theo tỉ lệ giữa tổng doanh thu của các hoạt động được gia hạn với tổng doanh thu thực hiện của doanh nghiệp.
               II.      Trình tự, thủ tục gia hạn nộp thuế:
1.    Doanh nghiệp sử dụng phần mềm hỗ trợ kê khai (HTKK) phiên bản 2.5.5 trở lên để thể hiện việc đề nghị gia hạn nộp thuế trên tờ khai thuế thu nhập tạm tính quý và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm. (Địa chỉ để tải phần mềm HTKK phiên bản 2.5.5 là: www.hcmtax.gov.vn hoặc www.gdt.gov.vn). Cụ thể như sau:
a.    Đối với doanh nghiệp nộp tờ khai bằng giấy:
              Khi lập tờ khai phải đánh dấu vào ô gia hạn nộp theo Quyết định 21/2011/QĐ-TTg và ghi bổ sung nội dung đề nghị gia hạn tại dòng cam kết trong tờ khai như sau:
- Đối với tờ khai tạm tính quý:
+ Số thuế TNDN không được gia hạn
+ Số thuế TNDN đề nghị gia hạn
+ Thời hạn nộp thuế đề nghị gia hạn
- Đối với tờ khai quyết toán năm:
+ Số thuế TNDN chênh lệch cao hơn khi quyết toán:
Trong đó:
+ Số thuế TNDN không được gia hạn
+ Số thuế TNDN đề nghị gia hạn
+ Thời hạn nộp thuế đề nghị gia hạn
b.   Đối với doanh nghiệp nộp hồ sơ thuế qua mạng:
              Khi lập tờ khai phải đánh dấu vào ô gia hạn nộp theo Quyết định 21/2011/QĐ-TTg và gửi tờ khai/tờ khai thay thế qua mạng.
Trường hợp doanh nghiệp vừa có số thuế không được gia hạn vừa có số thuế đề nghị gia hạn, doanh nghiệp lập văn bản đề nghị (có chữ ký số) ghi rõ kỳ khai thuế, nội dung đề nghị gia hạn (như nêu trên) và gửi qua hộp thư điện tử cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
2.    Đối với các tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp cho cơ quan thuế nhưng chưa đề nghị gia hạn nộp thuế, doanh nghiệp phải lập tờ khai thay thế cho các tờ khai đã nộp.
3.    Đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính quý IV năm 2010 và số chênh lệch cao hơn khi quyết toán thuế năm 2010 được tiếp tục gia hạn trong năm 2011, doanh nghiệp thực hiện lập và gửi tờ khai thay thế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 31/7/2011.
4.    Trong thời gian được gia hạn nộp thuế, doanh nghiệp không bị coi là vi phạm chậm nộp thuế và không bị phạt hành chính về hành vi chậm nộp tiền thuế đối với số thuế được gia hạn.
           III.      Xử lý tờ khai vừa có số thuế gia hạn vừa có số thuế không được gia hạn nộp thuế:
Do chương trình HTKK hiện nay xử lý tính gia hạn nộp thuế trên toàn bộ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trên tờ khai nên trường hợp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp vừa có số thuế không được gia hạn vừa có số thuế đề nghị gia hạn nộp thuế thì bộ phận kê khai và kế toán thuế phải lập phiếu điều chỉnh nội bộ để hạch toán số thuế không được gia hạn.
Ví dụ: Số liệu tờ khai thuế TNDN quý 1/2011 của doanh nghiệp A như sau: (DN A có đánh dấu vào ô gia hạn nộp theo Quyết định 21/2011/QĐ-TTg)
- Tổng số thuế TNDN phải nộp trên tờ khai    : 100 triệu
trong đó:
- Số thuế TNDN không được gia hạn              :   30 triệu
- Số thuế TNDN đề nghị gia hạn                     :   70 triệu
- Thời hạn nộp thuế đề nghị gia hạn                 : 30/4/2012
Phiếu điều chỉnh nội bộ phải được hạch toán như sau:
- Ghi âm      : 30 triệu với hạn nộp: 30/4/2012
- Ghi dương : 30 triệu với hạn nộp: 30/4/2011
            IV.      Tổ chức thực hiện:
1.     Trung tâm tích hợp và các Chi cục thuế:
- Thông báo cho các doanh nghiệp thuộc diện gia hạn để xác định lại thu nhập được gia hạn nộp thuế và hộp thư điện tử để các doanh nghiệp nộp hồ sơ thuế qua mạng gửi văn bản đề nghị gia hạn.
- Căn cứ các hướng dẫn tại công văn này, hướng dẫn doanh nghiệp làm các thủ tục liên quan đến việc đề nghị gia hạn nộp thuế.
2.     Phòng Tuyên truyền hỗ trợ:
- Căn cứ vào các văn bản quy định, hướng dẫn về gia hạn nộp thuế theo Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg, đăng thông báo cho doanh nghiệp trên website của ngành thuế và các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phối hợp với các phòng/Chi cục thuế để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc gia hạn nộp thuế.
3.      Phòng tin học:
Tạo hộp thư điện tử cho Trung tâm và các Chi cục thuế để các doanh nghiệp nộp hồ sơ thuế qua mạng gửi văn bản gia hạn nộp thuế.
- Phối hợp, hỗ trợ các phòng/Chi cục thuế thực hiện các công việc liên quan đến việc gia hạn nộp thuế của doanh nghiệp.
4.     Bộ phận tiếp nhận hồ sơ khai thuế (Trung tâm tích hợp, Đội KK-KTT-TH/Đội Tuyên truyền hỗ trợ):
- Khi tiếp nhận phải kiểm tra tờ khai và các hồ sơ kèm theo phải đủ thủ tục, đúng quy định.
- Chuyển các tờ khai/tờ khai thay thế cho bộ phận xử lý tờ khai để cập nhật vào hệ thống.
5.     Bộ phận xử lý tờ khai (Trung tâm tích hợp, Đội KK-KTT-TH):
- Cập nhật tờ khai/tờ khai thay thế vào hệ thống.
- Riêng trường hợp tờ khai vừa có số thuế gia hạn vừa có số thuế không được gia hạn, sau khi cập nhật vào hệ thống chuyển tờ khai kèm theo bảng liệt kê danh sách cho bộ phận điều chỉnh số liệu (Phòng KK-KTT, Đội KK-KTT-TH) để hạch toán số thuế không được gia hạn.
- Tổng hợp danh sách doanh nghiệp đề nghị gia hạn chuyển bộ phận được phân công quản lý nợ, Phòng quản lý thu nợ và CCNT để rà soát việc đề nghị gia hạn của doanh nghiệp.
6.     Bộ phận được phân công quản lý nợ (Phòng Kiểm tra, Phòng QLTN&CCNT, Đội kiểm tra/đội quản lý nợ):
- Căn cứ danh sách doanh nghiệp đề nghị gia hạn do bộ phận xử lý tờ khai cung cấp rà soát, theo dõi để không tính phạt chậm nộp.
- Trường hợp đã tính phạt chậm nộp tiền thuế đối với số thuế được gia hạn, lập đề nghị điều chỉnh giảm số tiền phạt chậm nộp chuyển bộ phận điều chỉnh số liệu hạch toán.
7.     Bộ phận điều chỉnh số liệu (Trung tâm tích hợp, Phòng KK-KTT, Đội KK-KTT-TH):
- Căn cứ tài liệu do bộ phận xử lý tờ khai chuyển đến, tiến hành xử lý gia hạn nộp thuế theo quy định.
- Trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế qua mạng nêu tại điểm 3 mục II, căn cứ vào văn bản của doanh nghiệp đã gửi qua hộp thư điện tử để tiến hành xử lý gia hạn nộp thuế theo quy định.
- Hạch toán kịp thời các đề nghị điều chỉnh từ bộ phận được phân công quản lý nợ và Phòng QLTN&CCNT chuyển đến.
Cục thuế yêu cầu các Phòng, các chi cục thuế căn cứ hướng dẫn trên để thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phải kịp thời báo cáo về Cục thuế (Phòng KK-KTT) để có hướng dẫn giải quyết.

                                                                         CỤC TRƯỞNG
Nơi nhận:
-          Như trên.
-          BLĐ Cục thuế
-        
(M.Huy)
 
Lưu HC,KK-KTT (B4)                                           Nguyễn Đình Tấn (đã ký)