Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Về điều chuyển công việc của người lao động


Chinhphu.vn) - Công ty nơi bà Nguyễn Thanh Tú (Hải Phòng) làm việc có ký hợp đồng thời hạn 36 tháng với 1 nhân viên. Tuy nhiên trong 2 tháng cuối của thời hạn, nhân viên này bị chuyển sang làm 1 công việc khác và chỉ được hưởng 85% lương với lý do công ty hết việc. Bà Tú hỏi, trường hợp này công ty giải quyết như vậy có đúng quy định không?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Tú như sau:
Trường hợp được phép chuyển người lao động làm việc khác
Theo Điều 34 Bộ luật Lao động hiện hành (ban hành năm 1994, đã được sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007) và hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động thì việc tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề được quy định như sau:
Khi người sử dụng lao động gặp khó khăn đột xuất do khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; sự cố điện, nước hoặc nhu cầu của sản xuất - kinh doanh thì người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày (cộng dồn) trong một năm. Trong thời gian này, nếu người lao động không chấp hành quyết định của người sử dụng lao động thì có thể bị xử lý kỷ luật lao động và không được hưởng lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 62 của Bộ luật Lao động và tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 84 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.
Trong trường hợp người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề quá 60 ngày (cộng dồn) trong một năm thì phải có sự thoả thuận của người lao động; nếu người lao động không chấp thuận mà họ phải ngừng việc thì người đó được hưởng lương theo quy định tại khoản 1 Điều 62 của Bộ luật Lao động.
Mức lương khi phải điều chuyển công việc
Việc điều chuyển người lao động làm công việc khác tạm thời là quyền của người sử dụng lao động nhưng quyền điều chuyển này bị pháp luật giới hạn ở một số điểm sau:
- Không phải bất cứ lúc nào muốn là người sử dụng lao động có thể điều chuyển người lao động làm việc khác trái nghề. Việc điều chuyển chỉ được tiến hành trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Khó khăn đột xuất được hiểu là doanh nghiệp gặp khó khăn do khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, do sự cố điện, nước.
- Trước khi quyết định điều chuyển người lao động làm việc trái nghề, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động ít nhất 3 ngày.
- Người sử dụng lao động có thể tạm thời điều chuyển người lao động làm công việc trái nghề nhiều lần, nhưng tổng cộng số ngày điều chuyển của các lần không quá 60 ngày cộng dồn trong một năm. Trường hợp tạm điều chuyển vượt quá 60 ngày thì phải được sự chấp thuận của người lao động.
- Khi làm công việc khác theo sự điều chuyển của người sử dụng lao động thì người lao động được hưởng theo lương của công việc mới với điều kiện mức lương này cao hơn hoặc bằng mức lương của công việc cũ.
Nếu mức tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương cũ thì người lao động được giữ nguyên lương trong thời hạn 30 ngày làm việc. Sau 30 ngày đó thì hưởng lương theo công việc mới nhưng tiền lương theo công việc mới phải ít nhất bằng 70% mức tiền lương cũ (nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu).
Cụ thể vấn đề bà Nguyễn Thanh Tú hỏi: Trong thời hạn hợp đồng mà công ty gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì có quyền điều chuyển người lao động sang làm công việc khác không quá 60 ngày trong một năm.
Việc điều chuyển người lao động sang làm công việc khác phải thực hiện đúng quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động hiện hành và hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 44/2003/NĐ-CP. Theo đó, người lao động được giữ nguyên lương trong thời hạn 30 ngày làm việc. Sau 30 ngày đó thì hưởng lương theo công việc mới nhưng tiền lương theo công việc mới phải ít nhất bằng 70% mức tiền lương cũ.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét