Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

Phép thử “kiến kiện khoai” và cái tâm của quan tòa

(Dân trí) - Tố tụng hành chính về cơ bản giải quyết những việc “dân kiện quan”, cần phải vượt qua rào cản: quan niệm “con kiến kiện củ khoai” của người dân và cái tâm của “quan tòa”. Nhiều cán bộ tòa án thiếu công tâm khiến dân mất lòng tin, làm méo mó quy định…

Thảo luận tại các tổ về dự án Luật tố tụng hành chính chiều 4/6, nhiều khúc mắc về thẩm quyền, khả năng giải quyết án của tòa; công cụ đảm bảo quyền của người dân trong những tình huống “kiện quan”… đã được phát biểu sôi nổi.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu nguyên tắc, luật mới để giải quyết các mối quan hệ trong việc “dân kiện quan”, phải vượt qua các rào cản: quan niệm “con kiến kiện củ khoai” của người dân và cái tâm của “quan tòa”.
Đại biểu băn khoăn về nhân lực tòa án, cả về số lượng, nghiệp vụ và đạo đức thẩm phán.
“Vấn đề nhân lực của tòa, cả về số lượng và trình độ nghiệp vụ lâu nay vẫn bị nhắc. Nhiều cán bộ tòa án thiếu công tâm khiến dân mất lòng tin, làm méo mó quy định…” - bà Thúy thắng thắn nhận xét.
Tỏ ý tán thành, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên, Phó Chỉ nhiệm UB Tư pháp) phân tích thêm, tâm lý chung, ai cũng nghĩ người dân đi “kiện quan” dễ gì thắng. Điều này có cơ sở từ cơ cấu hệ thống tòa án hiện nay tổ chức theo đơn vị hành chính. Về nguyên tắc, mặc dù tòa án hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật nhưng các thẩm phán là do cấp ủy bổ nhiệm nên vẫn có thể có những nể nang.
“Thẩm phán nào dũng cảm thì sẽ vượt qua được, nhưng trên thực tế số lượng thẩm phán dũng cảm chưa có nhiều” - bà Nga chốt vấn đề.
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cũng nhìn nhận, thực tiễn tố tụng nhiều vụ án hành chính, tòa không thể xử cơ quan hành chính ngang cấp vì có câu chuyện nể nang, có nhiều vấn đề liên quan công tác cán bộ.
Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, vấn đề còn ở nhận thức của người đứng đầu cơ quan hành chính, có dám ra hầu tòa, dám đối mặt với người dân không vì không ông chủ tịch nào cần khẳng định uy tín mà lại muốn bị kiện ra tòa.
Ông Dũng đề đạt, luật cần có cách thức buộc trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính phải chủ động trong mối quan hệ này.
Một trong những nội dung quan trọng song còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự luật là điều kiện khởi kiện vụ án hành chính. Ban soạn thảo đề nghị quy định trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án phải qua thủ tục khiếu nại như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng, người dân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện ngay, không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Đại biểu Ngô Văn Minh: “Quy định mở để gỡ vướng lâu nay khiến đơn từ chỉ chạy quanh”
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chiếu quy định của WTO, người dân có thể khởi kiện đến tòa vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại. Cách làm luật hiện nay, bà Nga ví như việc đang đi hai con đường… dính vào nhau, giống như chuyện đi tàu và ô tô.
Bà Nga phân tích: “Để đi từ điểm này đến điểm kia, người dân có thể đi hoàn toàn bằng tàu mà cũng có thể đi hoàn toàn bằng ô tô. Theo WTO thì họ có thể xuống tàu ở bất cứ ga nào để đi tiếp bằng ô tô hoặc ngược lại. Nhưng chúng ta đang khiến người dân muốn đi ô tô thì phải đi tàu trước rồi dừng lại ở một ga nào đó”.
Phó Chủ nhiệm UB tư pháp đề nghị quy định linh hoạt theo cả hướng hoàn toàn theo đường khiếu nại hành chính qua các cấp, kiện thẳng ra tòa hoặc “nửa nọ nửa kia”.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu quan điểm, để công dân có quyền khởi kiện bất cứ nơi nào, không phải qua thủ tục hành chính nào, rồi mới qua tòa án chính là một bước gỡ vướng. Thực tế lâu nay vướng này khiến đơn từ khiếu nại chạy loanh quanh, chuyển đến đâu dân cũng không biết trong khi quyết định hành chính ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.
Tống hợp các ý kiến, UB Tư pháp cũng tán thành quan điểm quy định mở để đáp ứng được yêu cầu tăng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét