Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2010

Cha, con và bản án tù oan

Họ lần lượt bị bắt giam từ sai lầm của người có chức quyền. Những năm tháng tù oan không được bồi thường đã đành mà cả tài sản, giấy tờ cũng không được trả lại.

Gia đình anh Vũ Đình Tuấn ở thị xã La Gi (Bình Thuận) trước đây được xem là gia đình khá giả nhờ buôn bán, làm ăn chân chính, tạo dựng được mấy căn nhà mặt tiền liền kề nhau.

Hết con bị tù oan

Sau năm 1975, khi được chính quyền địa phương đặt vấn đề, cha anh Tuấn làm giấy cho mượn hai căn nhà gồm một căn lầu, một căn nhà trệt có gác trong thời hạn năm năm để làm cửa hàng thương nghiệp. Sau đó, cả gia đình anh dắt nhau mua một mảnh đất gần đó làm nhà ở để sản xuất nông nghiệp.

Năm 1982, chính quyền trả lại căn nhà lầu mà cha anh Tuấn đã cho mượn, riêng căn nhà gác liền kề, phần dưới chính quyền vẫn tiếp tục trưng dụng làm cửa hàng, còn trên gác, anh Tuấn được cha cho ở.

Năm 1985, chủ tịch UBND huyện Hàm Tân ra quyết định thu hồi mảnh đất nông nghiệp của nhà anh vì cho rằng đây là đất lấn chiếm trái phép dù gia đình anh mua đất có giấy tờ và hằng năm đều đóng thuế.

Ngày 1-4-1985, huyện Hàm Tân tổ chức lực lượng đến cưỡng chế, lúc đó anh Tuấn mới bước vào tuổi 17. Toàn bộ đồ đạc của gia đình được lực lượng cưỡng chế đưa ra ngoài khu đất. một cán bộ VKSND huyện Hàm Tân lúc đó, nay là lãnh đạo VKSND thị xã La Gi, chỉ tay vào đống đồ đạc ra lệnh cho Tuấn phải tự bảo quản. Trong cơn uất ức, anh buột miệng: “Tôi giữ đồ này giống như giữ đồ cho kẻ cắp”.

Anh Vũ Đình Tuấn: “Gia đình tôi đã không còn nước mắt để khóc vì oan khiên cứ nối tiếp oan khiên”.

Lập tức Tuấn bị bắt giam và chỉ 12 ngày sau đã bị đưa ra tòa về hành vi chống lại cán bộ, nhân viên nhà nước trong khi thi hành nhiệm vụ và phản tuyên truyền chống lại việc thực hiện các chính sách và pháp luật của nhà nước.

Hàng chục bạn học lớp 11 của Tuấn đã đến tòa để xem bạn mình bị xét xử. Tuấn bị phạt chín tháng tù. Sau khi bị giam đúng 100 ngày, anh được chánh án TAND tỉnh Thuận Hải (cũ) ra lệnh tạm tha. Ngày 21-11-1985, TAND tỉnh đưa vụ án ra xử phúc thẩm, tuyên Tuấn không có tội như bản án sơ thẩm.

Đến lượt cha bị bắt

Ra tù, Tuấn phụ cha vá vỏ xe trước nhà và mua đi bán lại vài bao xi măng để kiếm tiền chợ. Cha con anh đang làm ăn lương thiện thì ngày 9-11-1988, cũng chính tay cán bộ VKS huyện lúc trước (thời điểm này là viện phó VKSND huyện) ra lệnh bắt khẩn cấp cha anh Tuấn (lúc này ông đã 61 tuổi) về tội mua bán vật liệu xây dựng trái phép để đầu cơ.

Toàn bộ căn nhà của gia đình anh bị khám xét nhưng cơ quan chức năng không thu giữ được một vỏ bao xi măng nào. Theo bản kê những tang vật bị tạm giữ của VKSND huyện Hàm Tân, lực lượng khám xét đã thu giữ hơn 200 tập giấy tờ của gia đình, trong đó có cả giấy tờ cha anh Tuấn cho chính quyền địa phương mượn hai căn nhà. Ngoài ra, VKS còn thu giữ hơn 4 triệu đồng (hơn bốn lượng vàng) của gia đình anh.

Sau gần một tháng bắt giam, không chứng minh được cha anh Tuấn phạm tội, VKSND huyện Hàm Tân đành phải trả tự do nhưng không hề xin lỗi một lời.

“Vướng lời nguyền”?

Anh Tuấn cay đắng nói có lẽ gia đình anh “bị vướng phải lời nguyền” nên những oan khiên rồi vẫn chưa chịu dừng lại.

Ra tù, cha con anh bắt đầu hành trình khiếu nại để được minh oan, để được trả lại số giấy tờ, tiền bạc của gia đình bị tịch thu nhưng hơn 20 năm qua họ không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Trong khi đó, đơn yêu cầu trả lại căn nhà gác cũng không được xem xét vì chính quyền địa phương cho rằng giấy cho mượn nhà chỉ là bản photocopy, không giải quyết (giấy gốc đã bị VKSND huyện Hàm Tân tịch thu, chưa trả lại).

Sự đời còn ngược ngạo hơn. Đùng một cái, ngày 10-6-2009, gia đình anh Tuấn được TAND thị xã La Gi mời đến tòa với tư cách bị đơn, còn nguyên đơn là Công ty Cổ phần Thương mại Bình Thuận, đơn vị mượn tầng trệt căn nhà gác của gia đình anh làm cửa hàng từ sau năm 1975. Theo đó, công ty này khởi kiện yêu cầu trục xuất gia đình anh ra khỏi căn gác, trả lại phần không gian phía trên cho công ty.

Ra tòa rồi gia đình anh Tuấn mới té ngửa vì căn nhà mình cho mượn đang đòi lại chưa được thì đã bị UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt giá trị nhà, giao cho công ty thương mại quản lý và cấp giấy đỏ từ năm 2006.

Kết quả của vụ kiện này là TAND thị xã La Gi đã chấp nhận đơn khởi kiện và buộc gia đình anh Tuấn phải dọn ra khỏi căn nhà mà chính mình đã đổ mồ hôi, nước mắt để tạo lập từ 40 năm trước.

Tù oan không được bồi thường, giấy tờ, tiền bạc bị tịch thu không được trả lại, nhà của mình cũng bị trục xuất. Ôm chồng đơn thư khiếu nại trên tay, anh Tuấn ngồi bệt xuống nền nhà, chùng giọng: “Ông bà thường nói có vay thì có trả nhưng đối với gia đình tôi không đúng. Oan khiên nối tiếp oan khiên, chúng tôi đã không còn nước mắt để khóc nữa rồi!”.

PHƯƠNG NAM

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Nụ cười và tình người trong “lô cốt”

Nụ cười và tình người trong “lô cốt”

Hiếu dẫn tôi chạy vòng quanh trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) để đến nhà mẹ con bé Hà. Hiếu kể những lúc làm việc mệt nhọc hay có điều gì bực bội, anh lại ghé vào ngôi nhà lạ lùng này, để khi về, mọi ưu phiền đều tan biến.

Ngôi nhà dị thường



Hai mẹ con bà Hồng trong ngôi nhà 5m2

Sau một hồi chạy quanh, Hiếu cũng dừng lại trước một ngõ cụt giữa hai nhà cao tầng. Ngõ cụt sâu hàng chục mét, bề ngang chưa đầy nửa thước, chỉ đủ cho một người lách vào. Cuối hẻm cụt là nơi trú ngụ của mẹ con bé Hà - không hẳn là một ngôi nhà, đúng hơn, nó là một cái “lôcốt” rộng 5m2. Tầng trệt chỉ đủ cho nhà vệ sinh, hai mẹ con chủ yếu sống ở căn gác gỗ bên trên.

Nhà im ắng không một tiếng người. Hiếu cất tiếng gọi: “Bé Hà ơi!”. Ở trên gác vọng xuống tiếng lanh lảnh như giọng trẻ con: “Mẹ đi vắng rồi, em ở trên này nè!” Tôi và Hiếu leo lên chiếc cầu thang nhỏ xíu mới được biết bé Hà là một cô gái bị liệt nửa người, chân tay co quắp.

Thấy chúng tôi, bé Hà vui ra mặt, nói chuyện tíu tít. Bé nằm một chỗ suốt ngày buồn quá, có người đến trò chuyện là vui như bắt được vàng. Bé bảo, mẹ đi ra phường lãnh trợ cấp 150 ngàn đồng từ sáng. Trụ sở UBND phường không xa, nhưng với người đàn bà nhợt nhạt, đủ thứ bệnh trong người này, nó là một khoảng cách lớn. Hiếu bảo, căn bệnh tim khiến mẹ bé Hà đi bộ chừng trăm mét hoặc leo lên cầu thang là mặt mày xây xẩm, thở không ra hơi.

Người đàn bà tên đầy đủ là Trương Thị Niên Hồng, sinh năm 1953, còn con gái tên Trương Thị Thu Hà. Mặc dù Hà sinh năm 1979, nhưng ai cũng gọi là “bé”. Vì Hà chỉ nằm yên một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người mẹ ốm yếu.

Bà Hồng kể rằng, căn nhà “lô cốt” này do một tay người chồng quá cố của bà thiết kế. Từ khi ông mất, mọi thứ không thay đổi từ cái cầu thang cho đến ổ điện... ngay cả chiếc quạt trong nhà cũng do ông để lại. Hồi trước, ông là dân thợ điện. Từ khi ông bệnh nặng không qua khỏi (năm 2004), hai mẹ con bệnh tật rau cháo đùm bọc nhau qua ngày.

Bé Hà sinh ra đã bị tật. Bà Hồng nói, có thể là do di chứng chất độc hoá học vì ngày xưa cha bé có đi lính. Khi sinh ra, bé Hà nhỏ bé và co quắp như con mèo, mọi người bảo bỏ đứa con đi, để nó sống càng thêm tội. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng, bà không mảy may nghĩ đến việc làm “ác nhơn ác đức” đó. Bà nghe người ta khuyên nên nắn tay chân cho con kẻo nó cứ còng queo suốt đời. Thế là bà kiên trì nắn ngày này qua tháng khác. Nỗ lực của người mẹ đã được đền đáp bằng việc đứa con khác thường có thể đi lại. Bé Hà được đến trường, học đủ để biết đọc chữ rồi bỏ học về nhà đẩy xe bán trái cây dạo ở ngã tư Phú Nhuận.

“Tội nghiệp, bé phải ở ngoài giữ hàng suốt ngày, đến đi tiểu cũng không dám, lâu ngày sinh bệnh về thận. Chân tay ngắn ngủi, lóng ngóng, một lần vô tình té cầu thang, thế là bé bị giập bàng quang, liệt nửa người”, bà Hồng buồn bã nhớ lại. Từ đó đến nay, bé Hà phải sống chung với ống nước tiểu gắn bên ngoài.

Cả hai mẹ con nghèo, lại đủ thứ bệnh trong người, không có khả năng khám chữa bệnh đành sống qua ngày đoạn tháng. Ngay cả việc thay ống thông tiểu cho bé Hà, người mẹ cũng tự làm, dù biết chỉ là làm “dã chiến”. “Ông trời gọi về lúc nào là vâng lời lúc ấy”, bà Hồng nói.

Lối vào nhà bé Hà.

Tình người và nụ cười

Từ lâu rồi, hai mẹ con ăn cơm trợ cấp của các hội đoàn tôn giáo. Sáng hai mẹ con ăn chung tô hủ tiếu mười ngàn đồng. Trưa, người của giáo xứ Tân Định mang cơm đến tận nhà cho hai mẹ con. Bé Hà nói, em ăn trưa không hết chừa lại chiều ăn nốt. Thỉnh thoảng có người biết chuyện lại tìm tới hẻm sâu này giúp cho lon sữa, cái bánh. Một cô y tá biết hoàn cảnh bé Hà (khi bé vào bệnh viện), tháng nào lãnh lương cũng tranh thủ ghé thăm cho hai mẹ con vài trăm ngàn, suốt mấy năm nay. Có người thấy bé Hà nằm một chỗ buồn thì tặng ngay cái tivi.

Điều đáng nói là trên gương mặt hai mẹ con luôn sẵn nụ cười và lời cảm ơn cuộc đời đã mang đến cho mình những con người phúc đức. Còn những người đến thăm, sau khi ra về thường cảm thấy như họ nhận được từ hai mẹ con này một nghị lực sống.

“Những khi hai mẹ con lủi thủi với nhau, bệnh tật hành hạ, lại mở nhạc Trịnh Công Sơn ra nghe. Ngẫm lời nhạc mà thấm thía giá trị cuộc sống, và thấy hoàn cảnh gia đình mình còn may mắn hơn nhiều người phải sống đầu đường xó chợ, hay bị lũ lụt thiên tai...”, bà Hồng nói.

Tôi đã hiểu tại sao anh bạn Hiếu - một thanh niên môi giới địa ốc - vẫn thường hay ghé ngôi nhà “lô cốt” này mỗi chiều đi làm về mệt mỏi, bực bội.

Theo Xuân Huy

Sài Gòn tiếp thị

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Hà Tĩnh: Phóng viên báo Tiền Phong bị đánh trọng thương

(Dân Trí)- Sáng nay, 6/1, trong khi đang đưa tin vụ cưỡng chế đất của một hộ dân tại xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, nhà báo Võ Minh Châu, PV báo Tiền Phong tại Hà Tĩnh đã bị đánh trọng thương.

Theo nội dung đơn tố cáo của PV Võ Minh Châu gửi công an tỉnh Hà Tĩnh, sáng ngày 6/1/2010, UBND xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh tổ chức cưỡng chế hành chính mảnh đất của ông Lương Đình Dương, tại xóm Tân Thọ, xã Kỳ Thọ mà các cấp chính quyền cho rằng ông Dương đã lấn chiếm trái phép (vấn đề này báo chí đã lên tiếng không đồng thuận với kết luận của các cấp chính quyền sở tại). Chứng kiến cuộc cưỡng chế có đông đảo người dân và phóng viên các báo thường trú trên địa bàn.

Trong lúc tiến hành cưỡng chế, PV Minh Thùy của báo Tiền Phong đưa máy ảnh ra chụp thì bị một thanh niên lao vào giằng máy ảnh. Dù PV Thùy đã giải thích là đang tác nghiệp, nhưng thanh niên này vẫn giằng co nhằm lấy máy ảnh. Rất may có ba người dân vào hỗ trợ nên PV Minh Thùy đã lấy lại được máy ảnh rồi rời khỏi vị trí bị bao vây.
Đối tượng đội mũ bảo hiểm trước khi hành hung nhà báo Võ Minh Châu
Điều đáng nói, chỉ ngay sau đó một chiến sỹ cán bộ Công an huyện Kỳ Anh xuất hiện lên tiếng đe dọa PV Minh Thùy và cùng với một dân quân tự vệ áp giải PV Thùy ra ngoài Quốc lộ 1A.

Đến khoảng 9h sáng, sau khi công việc cưỡng chế tiến hành xong, nhóm PV gặp gỡ nhau tại một quán nước ở xã Kỳ Thọ thì bất ngờ bị các đối tượng gồm Dương Đình Trang và một nam thanh niên có tên Mậu lao vào dùng mũ bảo hiểm tấn công. Nhà báo Võ Minh Châu, PV báo Tiền Phong thường trú tại Hà Tĩnh đã bị tên Trang dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu, mặt gục tại chỗ.

Sau khi đánh gục PV Võ Minh Châu, đối tượng Dương Đình Trang còn dùng dao đuổi chém PV Thùy, rất may người dân đã có mặt kịp thời để ngăn cản.
Sau khi sự việc xẩy ra, các phóng viên và người dân đã kịp thời thông báo với công an xã Kỳ Thọ và Công an huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, khoảng 1 tiếng sau lực lượng Công an huyện Kỳ Anh mới có mặt tại hiện trường để lập biên bản sự việc.
Nhà báo Võ Minh Châu nằm tại bệnh viện với nhiều vết thương ở vùng đầu
Theo tường trình của PV Châu, đối tượng Trang và Mậu là người nhà của một vị lãnh đạo xã Kỳ Thọ. Sau khi sự việc xẩy ra dù đã được Công an huyện Kỳ Anh yêu cầu, nhưng lực lượng an ninh xã Kỳ Thọ đã không có mặt giải quyết sự việc theo quy định.
Hiện nay nhà báo Võ Minh Châu đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh với tình hình sức khỏe không được tốt, có nhiều biểu hiện bất thường.
Trước sự việc nhóm côn đồ tấn công nhà báo đến trọng thương, tại cuộc họp Tổng kết năm của Hội nhà báo Hà Tĩnh đông đảo các nhà báo đều đồng loạt bày tỏ sự bất bình và căm phẫn. Nhà báo Lê Văn Thơn - Trưởng cơ quan TTXVN tại Hà Tĩnh khẳng định, hành vi của những kẻ côn đồ một lần nữa khẳng định PV báo chí đang đối mặt với nhiều hiểm nguy khi tác nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển và Lê Văn Thơn cùng tham gia ký đơn gửi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đề nghị công an tỉnh này khẩn trương vào cuộc
Các nhà báo đã đồng loạt ký đơn gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương vào cuộc, làm rõ và trừng trị thích đáng những đối tượng hành hung trọng thương nhà báo Võ Minh Châu.

Văn Dũng