Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc

- Két Xanh - 25/08/2009

THƯ CHUNG 1980 của HĐGM VIỆT NAM : Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc
“Bộ máy” hay “ho”
Lâu nay, cứ hễ nhắc tới Công giáo là nhà nước thường lấy Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam ra để “ho” : sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Gần đây nhất, một vài “nhà báo nói láo ăn tiền” không chỉ say sưa “rao giảng” về Thư chung 1980 mà còn “suy ngẫm” “sâu sắc” (xấu !) về huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI đọc nhân chuyến Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam (mời bạn đọc xem “cho biết” tại : http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/08/865005/, http://www.hanoimoi.com.vn/vn/71/217895/). Nhưng càng “ho” thì càng lộ cái thói thích cắt xén và ham nói chữ của “bộ máy” hay “ho” này.
Thói thích cắt xén
Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về “lịch sử cắt xén” tại Việt Nam. “Cắt xén” à ? Đâu có gì lạ ở Việt Nam !
Ông Phạm Văn Đồng, lúc làm Thủ tướng, đã kí một công hàm gửi cho Trung Quốc. Công hàm “để đời” này đã trở thành cái cớ cho Trung Quốc “phán” rằng : Việt Nam đồng ý “cắt xén” Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc (nguồn : http://hoangsa.org/forum/showthread.php?t=1830). Lẽ tất nhiên, ngày nay, chúng ta cần xem lại tính pháp lí của công hàm này, chứ không thể vâng vâng dạ dạ để cho Trung Quốc ngang nhiên cướp đất của tổ tiên.
Trong đợt cắm mốc biên giới với Trung Quốc gần đây, thì đất đai của dân tộc Việt Nam (chứ không phải của Đảng, Đảng nhớ điều đó nhé) lại tiếp tục bị nhà cầm quyền Việt Nam “cắt xén” (nguồn :http://www.vietmaisau.com/forum/showthread.php?t=55630).
Cắt đất chưa đủ, còn cho thêm khoáng sản nữa (nguồn :http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/08/090819_vietpm_bauxite.shtml). Tài nguyên nước Việt Nam phải để cho người Việt Nam khai thác và sử dụng, chứ mắc gì phải đem nó ra để “tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc”. Ông Thủ tướng nghĩ sao mà nói vậy thế ? Trong lịch sử Việt Nam đã từng có Lê Chiêu Thống “hữu nghị” chạy sang cầu viện nhà Thanh, mà không biết rằng làm như thế là cõng rắn cắn gà nhà. Mong ông Thủ tướng sáng suốt một chút vì như GS.TS Nguyễn Thế Hùng có nói : “Tôi nghĩ cách Trung Quốc chiếm Việt Nam không tốn một viên đạn là khống chế được Tây Nguyên” (nguồn :http://bauxitevietnam.info/c/6175.html).
Thế đó, đến quê cha đất tổ mà người ta còn vô tư muốn cắt là cắt, muốn xén là xén, huống hồ Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (xem toàn văn Thư chung 1980 tại :http://www.hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=3&Act=Detail&ID=216&CateID=116). Tôi không hề phủ nhận trọng tâm của Thư chung 1980 là nhấn mạnh đến vấn đề : “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Nhưng cách thức sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc mà Hội đồng Giám mục muốn gửi tới cộng đồng dân Chúa Việt Nam thì hoàn toàn khác với những gì mà nhà nước và “đám két nuôi” “diễn giải”. Có lẽ cũng cần nhắc cho “chủ két” và “tớ két” một vài điều sơ giản về văn bản :
“Văn bản là đơn vị lời nói có nội dung thông tin hoàn chỉnh nhất. Những đơn vị lời nói khác (câu, đoạn văn) cũng mang tính thông tin nhưng không hoàn chỉnh như văn bản. Chẳng hạn, so sánh :
Trong đầm gì đẹp bằng sen.
với :
Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng bông trắng lá xanh Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt rõ ràng về mức độ hoàn chỉnh của nội dung thông tin giữa chúng.”
(Nguyễn Thị Li Kha, Dùng từ, viết câu và soạn thảo văn bản, V, mục 1.1.1, tr.111. NXB Giáo dục, 2008)
Như thế, để hiểu đúng chủ đề : “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” của Thư chung 1980 thì cần làm các bước sau :
Bước 1 : tìm hiểu nghĩa của những thuật ngữ tôn giáo được dùng trong văn bản.
Bước 2 : đọc lại toàn bộ văn bản để nắm được nội dung chính.
Bước 3 (quan trọng nhất) : đừng “cắt xén” thì sẽ hiểu được tinh thần và ý nghĩa của Thư chung 1980.
Để thư giãn, xin kể hầu bạn đọc câu chuyện Phúc thống ẩm nhân sâm, một câu chuyện kinh điển thường dùng để minh hoạ cho “thói” đọc văn bản một cách vội vã làm phá vỡ tính trọn vẹn về nội dung của nó :
Thuở xưa, ở làng nọ, có một gia đình đã trải qua ba đời làm nghề thầy thuốc. Đời ông và đời cha của ông ta nổi tiếng mát tay, bất kỳ bệnh gì hễ đến tay họ đều được trị lành cả. Nhưng đến đời ông ta, do không chịu khổ công tìm tòi học hỏi, thậm chí ngay cả tánh dược của thuốc ông ta cũng chẳng chịu lưu vào bộ nhớ vì ỷ lại trong sách vở đã ghi chép đầy đủ cả. Cho nên mỗi khi xem mạch, bốc thuốc cho bệnh nhân, ông ta đều phải giở sách ra xem.
Một hôm, có thiếu phụ đến nhờ thầy bốc thuốc, chị ta bảo không hiểu sao chồng chị đột nhiên bị đau bụng dữ dội. Thầy giở sách thuốc ra, thấy ghi : “Phúc thống ẩm nhân sâm” (đau bụng uống nhân sâm) bèn bốc ngay nhân sâm cho chị ta đem về. Không ngờ, vừa uống xong chén thuốc, anh chồng lăn đùng ra chết. Chị kiện lên quan, vì cho rằng ông thầy thuốc đã mưu sát chồng mình. Khi được quan đòi, ồng thầy cắp sách thuốc theo, bước thấp bước cao vào phủ hầu quan. Ông ta thưa :
- Bẩm quan ! Thuốc con bốc không hề bị lầm ạ ! Vâng, nói phải có sách, mách phải có chứng, đây là sách thuốc có từ đời ông con truyền lại, con xin trình lên quan để ngài minh xét cho ạ !
Vị quan đón lấy sách xem, quả nhiên thấy trong sách có ghi “Phúc thống ẩm nhân sâm”, nhưng phần kế sau đó lại bị mọt ăn thủng mất một lỗ. Sau khi cho tra xét lại, vị quan mới té ngửa ra vì phần bị mọt ăn mất lại chính là hai chữ “tắc tử” (ắt chết). Như vậy, nguyên câu chính là “Phúc thống ẩm nhân sâm tắc tử”.
Xét ra đây không phải là tội cố sát nên quan trên chỉ xử phạt thầy bồi thường tiền chôn cất cho khổ chủ và cả nhà ông ta phải đến chấp lao phục dịch cho nhà đám.
Thói ham nói chữ
Xin kể tiếp một câu chuyện nữa :
Thầy đồ hay chữ, rủi phải bà vợ hư quá nên buộc phải dùng roi để dạy. Lúc đánh vợ ông nói :
- Sự bất đắc dĩ mới đánh mình, chứ tôi cũng hiểu rằng : "Giáo đa thành oán".
Có anh dốt nghe được cũng về bắt chước đánh vợ, vừa đánh vừa nói :
- Sự mất bát đĩa tao mới đánh mày, chứ mày cũng biết, gáo tra dài cán.
(Truyện cười Dốt mà hay nói chữ)
Dân gian thường chế nhạo những hạng người dốt mà hay nói chữ. Hạng người này dường như luôn có ở mọi thời. “Chủ két” và “tớ két”, phải nhìn nhận thẳng rằng : họ là những kẻ dốt mà ham nói chữ. Cứ thử đọc hai bài “huấn đức” mà phóng viên báo…đời viết. Ồ ! Dùng toàn những thuật ngữ tôn giáo : huấn từ, suy ngẫm, chủ chăn, con chiên, Phúc Âm,… Nhưng xin hỏi : quý vị có hiểu ý nghĩa đích thực và sâu xa của những từ này không ? Xin đơn cử từ “Phúc Âm”. “Phúc Âm” (hoặc còn được dịch là “Tin Mừng”) không đơn giản là âm thanh mang lại hạnh phúc cho người nghe, không thuần tuý là một tin mừng kiểu trần gian, nhưng Phúc Âm ở đây là Tin Mừng cứu độ thực sự cho con người : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4, 18-19).
Như vậy :
Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc không phải là sống phúc câm (câm là có phúc !), câm nín trước mọi biến cố xảy ra trong xã hội.
Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc không phải là sống kiếp lục bình trôi, nhắm mắt đưa chân giữa dòng chảy cuồn cuồn của lịch sử đất nước, dân tộc, bất kể dân tộc, đất nước an - nguy, suy - thịnh.
Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc chứ không phải giữa lòng Đảng. Đảng và dân tộc hoàn toàn khác nhau.Đảng cũng như bao triều đại từ ngàn xưa, nay còn mai sẽ mất, nhưng dân tộc Việt Nam trải qua bao thăng trầm của lịch sử vẫn mãi trường tồn.
Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc là như muối ướp cá. Cá sẽ ươn nếu không ướp muối. Cũng thế, trước thực trạng thối nát (bất công, tham nhũng, tội phạm,…) của xã hội, nếu người Công giáo không thực hiện sứ mạng làm muối của mình thì xã hội sẽ ra sao ? Muối nếu không mặn nữa, có còn là muối nữa không ? (Lời bài hát Tự hỏi, nhóm Lửa Hồng hát)
Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc là như ánh sáng giữa đêm đen. Người Công giáo từ xưa không phải là những người thụ động, họ không bao giờ ngồi nguyền rủa bóng tối mà luôn luôn nỗ lực để thắp lên một ngọn lửa, dù rất nhỏ. Cuộc đời bao tăm tối quanh tôi, vẫn cần đến ánh sáng chiếu soi… Hãy thắp lên đời ta, hãy thắp cho trần gian…(Lời bài hát Hãy thắp sáng lên, nhóm lửa Hồng hát)
Vâng, sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc theo tôi hiểu là như vậy. Nhưng chắc chắn, bạn đọc sẽ suy ngẫm được nhiều điều khác khi đọc toàn văn Thư chung 1980 của các Đức Giám mục Việt Nam (http://www.hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=3&Act=Detail&ID=216&CateID=116). Bạn đọc cũng nên tìm hiểu thêm về chuyến Ad Limina 2009 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và bài huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI ( http://www.hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8&Act=Detail&ID=543&CateID=63). Mong rằng những tài liệu trên sẽ thành những bản văn “gối đầu giường” của mỗi người chúng ta, để chúng ta có thể học hỏi và đem ra thực hành (đồng thời có cái để tra cứu khi đọc những bài “huấn đức” của “truyền thông chính quy”).
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích lại bài “Huyền nhiệm Ơn Gọi” như một suy tư về Ơn Gọi làm Kitô hữu giữa lòng dân tộc Việt Nam. Vâng, Chúa đã gọi bạn, đã gọi tôi, để làm muối, làm men, làm ánh sáng giữa lòng dân tộc Việt Nam, dù run sợ, lẽ nào bạn không đứng lên ?
Thiên Chúa cần một người cha cho dân của mình, Ngài chọn một cụ già. Thế là Abraham đứng lên. Thiên Chúa cần một người phát ngôn, Ngài chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng. Thế là Môsê đứng lên. Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân mình, Ngài chọn một cậu thanh niên nhỏ nhất, yếu nhất trong nhà. Thế là Ðavít đứng lên. Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội, Ngài chọn một anh chối đạo. Thế là Phêrô đứng lên. Thiên Chúa cần một gương mặt để diễn tả tình yêu cho nhân loại, Ngài chọn một cô gái điếm. Ðó là Maria Mađalena. Thiên Chúa cần chọn một chứng nhân để hô lên sứ điệp của Ngài, Ngài chọn một kẻ chuyên bắt đạo. Ðó là Phaolô gốc thành Tácxô. Thiên Chúa cần một ai đó để quy tụ dân và đi đến với những người khác, Ngài đã chọn bạn. Dù bạn run sợ, lẽ nào bạn không đứng lên ?
Két Xanh
Trich tu dcctvn.net