Thứ nhất: Về chương việc làm

Thay vì quy định các hành vi cấm tại điều 19 của Bộ luật Lao động hiện hành để cấm các hành vi “dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động… để thực hiện những hành vi trái pháp luật” cũng như các hành vi bị cấm nằm rải rác ở một số điều ở chương khác, thì Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa tập trung thành 1 nội dung tại điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm ở chương những quy định chung.

Bỏ quy định các DN phải lập quỹ dự phòng về trợ cấp, mất việc làm để trợ cấp cho người lao động trong DN bị mất việc làm vì từ 1.1.2009 đã có quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ hai: Về chương hợp đồng lao động

Thêm một mục có nội dung hoàn toàn mới về cho thuê lại lao động.

Bổ sung nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động trên tinh thần tự do tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, trung thực và hợp tác nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và đạo đức xã hội.

Bổ sung nội dung về nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động khi có yêu cầu của một trong 2 bên trước khi giao kết hợp đồng lao động.

Bổ sung những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.

Về nội dung của hợp đồng lao động, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã bổ sung cho 2 nội dung quan trọng, cụ thể: Chế độ nâng bậc nâng lương; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Bổ sung quy định mới về phụ lục hợp đồng lao động, theo đó khi cần sửa đổi, bổ sung nội dung của hợp đồng lao động.

Nâng mức lương thử việc của người lao động trong thời gian thử việc, ít nhất bằng 85% mức lương cấp bậc của công việc đó so với mức 75% được quy định tại Bộ luật Lao động hiện hành.

Bổ sung quy định mới về hình thức làm việc không chọn thời gian.

Một trong những điểm đáng chú ý đối với các trường hợp chấm dứt hoạt động trong hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) là: Đối với trường hợp hết hạn hợp đồng lao động, thì nguyên tắc chung là hết thời hạn  thực hiện hợp đồng lao động mà hai bên đã giao kết thì đều có thể chấm dứt hợp đồng lao động, riêng đối với người lao động là cán bộ CĐ không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ CĐ mà hết hạn hợp đồng lao động được kéo dài đến hết nhiệm kỳ.

Thứ ba: Về chương đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể

Bộ luật Lao động hiện hành, Chương V tập trung vào chế định TƯLĐTT với 11 điều chủ yếu đề cập đến TƯLĐTT tại DN.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) mở rộng thêm 2 nhóm nội dung: Đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể.

Thứ tư: Về chương tiền lương

So với Bộ luật Lao động hiện hành thì Chương tiền lương trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) có một nội dung mới:

Về cơ cấu tiền lương, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức trách, chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Căn cứ xác định mức lương tối thiểu ngoài các tiêu chí như trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường như Bộ luật Lao động hiện hành đã quy định, thì có thêm yếu tố đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Về tiền lương làm thêm giờ. Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ vào ban đêm, vì ngoài mức lương được trả vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, làm việc vào ban đêm như quy định hiện hành, Bộ luật Lao động (sửa đổi) còn quy định người lao động khi làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc được trả lương theo quy định đối với các trường hợp làm thêm giờ và làm việc vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn vị giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.

Thứ năm: Về chương thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định thống nhất một mốc chung để áp dụng trong cả nước: Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Bổ sung ngày nghỉ Tết âm lịch từ 4 ngày lên 5 ngày, nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm là 10 ngày.

Thứ sáu: Về chương kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng chia làm 2 mức. Mức chung của thời hiệu xử lý kỷ luật tối đa là 6 tháng, một số trường hợp đặt biệt có hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý kỷ luật tối đa là 12 tháng.

Về hình thức xử lý kỷ luật lao động với quy định hiện hành thì hình thức chuyển đi làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời gian tối đa không quá 6 tháng tỏ ra không phù hợp với thực tế.

Để đảm bảo tính đúng đắn của kỷ luật lao động và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra quy định cấm đối với người sử dụng lao động khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động: Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động; dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm nhưng những hành vi đó chưa được NSD lao động quy định trong nội quy lao động của DN.

Thứ bảy: Về chương những quy định riêng đối với lao động nữ

Tăng thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, cụ thể thời gian nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng, đồng thời bổ sung quy định cho phép lao động nữ có thể nghỉ trươc sinh với thời gian không quá 2 tháng.

Thứ tám: Về chương Công đoàn

Bỏ thời hạn (6 tháng) ở những DN đang hoạt động chưa có tổ chức CĐ phải thành lập tổ chức CĐ tại DN.

Bỏ quy định trong thời gian chưa thành lập được tổ chức CĐ tại DN thì chỉ định ban chấp hành CĐ lâm thời…

Xác định chủ thể đại diện, bảo vệ quyền lợi… của người lao động ở những nơi chưa thành lập tổ chức CĐCS là CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở.

Quy định thêm về các hành vi bị cấm đối với NSDLĐ liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ.